Cập nhật: 06/01/2025 20:08:00
Xem cỡ chữ

Chiều 6/1, đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Ban đại diện Quản trị Ngân hàng chính sách Xã hội tỉnh báo cáo kết quả hoạt động tín dụng đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tính đến hết tháng 12/2024, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Phúc đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng trên 540 tỷ đồng so với đầu năm, tăng hơn 12% so với năm 2023. Doanh số cho vay đạt gần 1.600 tỷ đồng với trên 31.000 khách hàng được vay vốn, trong đó chủ yếu là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội…

Đặc biệt, trong năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng về vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù với tổng số tiền cho vay trên 35 tỷ đồng, đứng đầu toàn quốc về cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức tín dụng xã hội đạt 5.000 tỷ đồng, với gần 84 nghìn hộ vay vốn. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và Vay vốn được quan tâm, theo dõi và đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn nhấn mạnh, kết quả hoạt động của Ban đại diện Quản trị và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đóng góp hiệu quả vào công tác an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo vốn cho người dân phát triển kinh tế.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất với tỉnh các giải pháp để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí giao Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bố trí nguồn vốn theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho vay vốn theo chính sách.

Hà Giang